Thủ tục xuất khẩu gỗ ván bóc hay còn gọi là gỗ ván lạng mới nhất
Gỗ ván bóc (Ván lạng ) là sản phẩm xuất khẩu có sản lượng tăng mạnh năm 2020. Việt nam là quốc gia có thế mạnh phát triển lâm sản, nhu cầu xuất khẩu gỗ ván bóc ngày càng tăng cao do giá thành rẻ, chất lượng tốt hơn gỗ ép. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp chưa từng xuất nhập khẩu cũng bắt đầu tham gia thị trường này. Nhưng việc bỡ ngỡ, chưa nắm được thủ tục, quy trình xuất khẩu sản phẩm gỗ ván lạng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn lúc ban đầu
Các sản phẩm gỗ ván bóc có rất nhiều loại, nguồn nguyên liệu khác nhau như keo, mỡ , bạch đàn , thông…, mỗi loại được quy định với chính sách riêng. Đối với gỗ ván bóc (ván lạng), Quý khách hàng có nhu cầu làm xuất khẩu có thể tham khảo chi tiết bài viết dưới đây.
Khái niệm gỗ ván bóc (ván lạng) là gì ?
Gỗ ván bóc tên tiếng anh là Veneer, là tấm gỗ mỏng, được máy bóc ra từ gỗ tự nhiên với độ dày thông thường không vượt quá 3mm. ván bóc thường được dùng phổ biến trong việc sản xuất ván gỗ công nghiệp như MDF, MFC, Plywood, gỗ ghép,… Ngoài ra, veneer cũng là nguyên liệu trong trang trí nội thất xe hơi, nhạc cụ, bàn ghế nội thất,…
Sản phẩm gỗ ván bóc ván lạng của Việt Nam ngày nay được xuất khẩu chủ yếu đi các nước: EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc (Chiếm đến hơn 80% tổng sản lượng toàn quốc).
Thủ tục, chính sách xuất khẩu sẩn phẩm gỗ ván lạng
Gỗ ván lạng ván bóc là sản phẩm mang tính chất đặc trưng của lâm sản: được khai thác tự nhiên sau đó bóc ly tâm thành những tấm ván mỏng, và được sấy khô/phơi khô trước khi ra sản phẩm cuối cùng. Với đặc trưng đó, gỗ ván lạng muốn được xuất khẩu phải tuân thủ các quy tắc riêng của Hải quan và cơ quan chuyên trách.
1. HS code của gỗ ván lạng là gì ?
Theo biểu thuế mới nhất của Bộ Tài chính, thì gỗ ván lạng được áp HS code nhóm 44.08. Chi tiết hơn về 4 số cuối sẽ phụ thuộc vào nguyên liệu là loại gỗ gì: gỗ keo, bạch đàn, cao su hay thông.
Một trong những thắc mắc của các doanh nghiệp lần đầu xuất khẩu gỗ ván lạng là vế các loại thuế phải nộp. Có 2 loại thuế mà doanh nghiệp cần lưu ý khi xuất khẩu gỗ ván lạng:
– Thuế VAT: theo quy định hiện hành, gỗ ván lạng xuất khẩu được hưởng thuế VAT 0%
– Thuế xuất khẩu: tất cả sản phẩm thuộc chương 44.08 đều phải chịu thuế xuất khẩu 10%. Và gỗ ván bóc cũng phải chịu mức thuế suất này.
2. Những lưu ý khi xuất khẩu gỗ ván lạng, gỗ ván bóc là gì ?
(1) Một trong những lưu ý khi xuất khẩu gỗ ván lạng là Hồ sơ lâm sản. Đây là chứng từ bắt buộc đối với hồ sơ xuất khẩu gỗ ván lạng nói riêng và lâm sản nói chung. Theo thông tư 04/2015/TT-BNNPTNT :“Gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ chỉ được xuất khẩu khi có hồ sơ lâm sản hợp pháp theo quy định hiện hành của pháp luật. Khi xuất khẩu, thương nhân kê khai hàng hoá với cơ quan Hải quan về số lượng, chủng loại và chịu trách nhiệm về nguồn gốc gỗ hợp pháp.”
(2) Lưu ý thứ hai là về Giấy chứng nhận kiểm dịch (phytosanitary certificate) và hun trùng sản phẩm (fumigation). Mặc dù đây không phải là quy định bắt buộc của cơ quan quản lý, nhưng 2 loại chứng từ này thường được các nhà nhập khẩu phía nước ngoài yêu cầu để đảm bảo về chất lượng, và độ an toàn của sản phẩm.
(3) Một lưu ý nữa là Giấy chứng nhận xuất xứ (CO-Certificate of Origin) cho sản phẩm gỗ ván lạng. Thông thường, với mỗi một quốc gia nhập khẩu sẽ áp dụng một mẫu CO riêng:
– Hàng hóa xuất khẩu đi Mỹ: áp dụng CO form B
– Hàng hóa xuất khẩu đi EU: áp dụng CO form EUR.1
– Hàng hóa xuất khẩu đi Trung Quốc: áp dụng CO form E
– Hàng hóa xuất khẩu đi Hàn Quốc: áp dụng CO form VK hoặc CO form AK
– Hàng hóa xuất khẩu đi Nhật Bản: áp dụng CO form VJ hoặc AJ
(4) Lưu ý cuối cùng là việc Tham vấn giá sản phẩm gỗ ván lạng. Vì được xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu, trị giá hàng hóa không thực sự cao nên gỗ ván lạng thường bị tham vấn giá khi xuất khẩu. Khi gặp vấn đề này, nhiều doanh nghiệp không có kinh nghiệm sẽ cảm thấy khó khăn. Lúc này, việc tìm đến các đơn vị logistics chuyên nghiệp như TTL là cần thiết.
3. Bộ hồ sơ hải quan xuất khẩu gỗ ván lạng bao gồm những gì ?
Để xuất khẩu thành công một lô hàng gỗ ván lạng, doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ hải quan như sau:
– Tờ khai hải quan
– Hợp đồng mua bán (Sales contract)
– Phiếu đóng gói (Packing List)
– Hóa đơn thương mại (Commercial Invoice)
– Bảng kê lâm sản (bảng kê gỗ) có dấu xác nhận của cơ quan kiểm lâm sở tại theo mẫu được quy định trong Nghị định 102/2020/NĐ-CP
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể chuẩn bị thêm CO, Giấy kiểm dịch và hun trùng hàng hóa trước khi xuất khẩu (Tùy theo yêu cầu của đối tác nhập khẩu).